Về một số vấn đề trên thị trường than trong nước - dư luận và thực tế
Icon Icon

Về một số vấn đề trên thị trường than trong nước - dư luận và thực tế

Tin tức Than khoáng sản

Thời gian gần đây, dư luận báo chí và xã hội quan tâm nhiều vấn đề về thị trường than trong nước trong việc đảm bảo cung ứng than cho nền kinh tế quốc dân trước áp lực nhu cầu sử dụng than ngày càng tăng cao. Đó là các vấn đề: cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện than, cạnh tranh, nhập khẩu than, tồn kho than và hiệu quả kinh tế của việc khai thác, nhập khẩu và cung ứng than. Để rộng đường dư luận, trong phạm vi bài này sẽ tìm hiểu và phản ánh thực tế của một số vấn đề nêu trên.
 
 
1) Vấn đề “ép” các nhà máy nhiệt điện chạy than mua than của Tập đoàn TKV:
 
Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho nên đòi hỏi nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng ngày càng tăng cao. Do đó, cung cấp đủ, kịp thời và hiệu quả than cho nền kinh tế quốc dân, đặc biệt là than cho sản xuất điện là một trong những yêu cầu cấp bách nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Vì rằng, thời gian xây dựng công trình mỏ than, nhất là mỏ than khai thác hầm lò công suất lớn thường kéo dài khoảng từ 7 đến 8 năm, thậm chí đến 10 năm hoặc hơn, hơn nữa khai thác than gặp rất nhiều rủi ro, trong khi thị trường than thế giới trong thời kỳ hội nhập có nhiều biến động mạnh do chịu tác động của nhiều yếu tố. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cung cấp than cho sản xuất điện đáp ứng yêu cầu nêu trên, Quy hoạch điện VII trước đây (Quyết định số 1208/2011/QĐ TTg ngày 21/7/2011) và tiếp theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh (Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016) đã đề ra mục tiêu và định hướng phát triển nhiệt điện than là Khai thác tối đa nguồn than trong nước cho phát triển các nhà máy nhiệt điện, ưu tiên sử dụng than trong nước cho các nhà máy nhiệt điện khu vực miền Bắc. Đến năm 2020, tổng công suất khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% tổng sản lượng điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2025, tổng công suấtkhoảng 47.600 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300 MW, sản xuất khoảng 304 tỷ kWh, chiếm khoảng 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than
Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xây dựng một số nhà máy nhiệt điện tại các trung tâm điện lực: Duyên Hải, Long Phú, Sông Hậu, Long An, v.v. sử dụng nguồn than nhập khẩu. Như vậy, nhiệt điện than sẽ ngày càng đóng vai trò chính trong hệ thống các nguồn điện trong nước và nhiệm vụ cung cấp than cho sản xuất điện có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển điện nói riêng và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nói chung.  
 
Để các nhà máy nhiệt điện đốt than hoạt động ổn định, hiệu quả cần phải có nguồn cung ứng than với khối lượng lớn, ổn định và lâu dài. Điều đó đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, từ khâu xác định nhu cầu (kể cả dự phòng trong trường hợp nhu cầu sử dụng than tăng đột biến), xây dựng kế hoạch đầu tư, lập, phê duyệt và triển khai dự án xây dựng công trình mỏ đến việc chuẩn bị hệ thống vận chuyển, bốc rót, cảng biển, kho bãi nhằm đảm bảo việc cung ứng than không bị gián đoạn.
Với tầm quan trọng đó, Chính phủ, Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản chỉ đạo, xây dựng đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện và giao nhiệm vụ cung cấp than ổn định, lâu dài cho các đơn vị chủ lực là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Tập đoàn TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc - Bộ Quốc phòng (TCT Đông Bắc) trên cơ sở thỏa thuận giữa các hộ sản xuất nhiệt điện than và các đơn vị cung cấp than theo nguyên tắc thị trường.
 
Cụ thể là, Văn phòng Chính phủ đã có các văn bản số 299/TB-VPCP ngày 9/11/2010 và số 346/TB-VPCP ngày 26/8/2014, thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại các cuộc họp về nhập khẩu than. Theo đó, “giao nhiệm vụ cho Tập đoàn TKV, TCT Đông Bắc chịu trách nhiệm cung cấp than trong nước và làm đầu mối nhập khẩu than cung cấp cho nền kinh tế, đảm bảo việc nhập khẩu có hiệu quả, duy trì nguồn cung ổn định dài hạn, chất lượng phù hợp với yêu cầu của các hộ tiêu thụ than với giá cạnh tranh…; đồng thời, trên cơ sở biểu đồ phụ tải cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than do Bộ Công Thương lập, cần tính toán, cân đối nguồn than trong nước, nguồn than phải nhập khẩu, xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể trung và dài hạn để triển khai thực hiện...".
 
Tại Quyết định số 5964/QĐ-BCT ngày 09/10/2012, Bộ Công Thương cũng đã phê duyệt Đề án cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là xác định nhu cầu và nguồn than cho sản xuất điện đến năm 2030, tối ưu các phương án cấp than cho các nhà máy điện trong Quy hoạch điện VII. Việc cung cấp than được thực hiện theo nguyên tắc: đảm bảo các nhà máy nhiệt điện than hiện có và đã có thiết kế được cung cấp đúng chủng loại than phù hợp với công nghệ trong suốt thời gian vận hành của nhà máy. Tập đoàn TKV và TCT Đông Bắc được giao làm đầu mối, chịu trách nhiệm cung cấp than ổn định phục vụ sản xuất của các nhà máy nhiệt điện theo Danh mục các nhà máy nhiệt điện sử dụng than đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 5964/2012/QĐ-BCT. Điều này cũng được khẳng định lại trong Quy hoạch than điều chỉnh vừa mới được phê duyệt theo Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, đó là“Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển bền vững ngành Than; đảm bảo các đề án thăm dò, dự án mỏ than, dự án hạ tầng vào sản xuất và vận hành đúng tiến độ theo Quy hoạch; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc cung cấp than cho nhu cầu tiêu thụ trong nước”.
 
Như vậy, có thể thấy, việc cung cấp than cho nền kinh tế quốc dân nói chung và cho các nhà máy nhiệt điện chạy than ở phía Bắc nói riêng được Chính phủ và Bộ Công Thương giao cho Tập đoàn TKV và TCT Đông Bắc thực hiện trên cơ sở thỏa thuận với các hộ sản xuất điện theo nguyên tắc thị trường và phải đảm bảo ổn định trong dài hạn. Điều đó xuất phát từ yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và hiệu quả kinh tế - xã hội.
Qua đó cho thấy ý kiến nói rằng có việc “ép” các doanh nghiệp sản xuất điện, trong đó có Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 phải mua than của Tập đoàn TKV là không có cơ sở và không đúng với thực tế như sẽ nêu dưới đây.
 
 
2) Thực tế thực hiện nhiệm vụ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện than:
 
Trên thực tế các hộ nhiệt điện than cùng với Tập đoàn TKV và TCT Đông Bắc đã thực hiện theo tinh thần chỉ đạo nêu trên của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Chẳng hạn, việc Tập đoàn TKV thực hiện cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 xuất phát từ chính đề xuất, nguyện vọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trên cơ sở tính toán nhu cầu sử dụng than của Nhà máy, có sự thỏa thuận, nhất trí giữa các bên liên quan: PVN - TKV.
Nhiệt điện Vũng Áng 1 có công suất thiết kế là 1.200 MW (2x600MW). Đây là nhà máy nhiệt điện công suất lớn đầu tiên của PVN nằm trong quy hoạch điện VI và VII được Chính phủ phê duyệt. Nhà máy được thiết kế sử dụng than anthraxite.
Cho nên, từ khi dự án khởi công xây dựng, PVN, trước đó là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã chọn Tập đoàn TKV là đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào ổn định lâu dài cho Nhà máy, thể hiện tại Hợp đồng nguyên tắc mua bán than dài hạn số 125/HĐNT/TKV - LILAMA ngày 13/6/2006 giữa TKV và LILAMA. Phía PVN, sau khi tiếp nhận Nhà máy từ LIAMA cũng liên tiếp có các văn bản số 10630/DKVN-PTTT ngày 30/12/2009 và số 8514/DKVN-PTTT ngày 21/9/2010 gửi TKV, bày tỏ mong muốn “việc ký kết hợp đồng nguyên tắc mua bán than dài hạn cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 sớm được thực hiện”. 
 
Từ nhu cầu và khả năng cung ứng của hai bên, ngày 30/9/2010 TKV và PVN đã ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 69/HĐNT/VINACOMIN-PVN về việc mua bán than dài hạn cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1. Theo đó, phía PVN cam kết mua than của TKV theo đúng tiến độ thống nhất trong Hợp đồng nguyên tắc này và Hợp đồng mua bán than hàng năm. Khối lượng than TKV dự kiến cung cấp là 3,4 - 3,6 triệu tấn/năm. Hợp đồng có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và hết hiệu lực sau 25 năm kể từ khi Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đi vào hoạt động. Ngoài căn cứ Hợp đồng nguyên tắc được ký kết, hai bên còn xúc tiến đàm phán chi tiết và ký kết các Hợp đồng mua bán than hàng năm để triển khai thực hiện.
 
Như vậy, việc Tập đoàn TKV cung cấp than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 của PVN tuân thủ đúng chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương là theo thỏa thuận giữa TKV và PVN căn cứ vào yêu cầu của PVN.
 
3) Thực tế triển khai hợp đồng mua bán than cấp cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết không? Có yếu tố chỉ đạo “phi thị trường” hay không? 
 
Năm 2016, căn cứ vào kế hoạch sản xuất của Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, để chuẩn bị nguồn than đảm bảo phục vụ vận hành Nhà máy, PVN đã cung cấp thông tin về nhu cầu sử dụng than cho TKV tại văn bản số 157/BĐVQ-CN ngày 7/9/2015, theo đó nhu cầu than tối thiểu năm 2016 của Nhiệt điện Vũng Áng 1 là 2,6 triệu tấn.
 
Về phía TKV, trên cơ sở cân đối tình hình sản xuất và khả năng cung ứng than cho Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, TKV đã có văn bản phúc đáp, xác nhận với PVN khả năng cung ứng đầy đủ than cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 theo yêu cầu nêu trên.
Tại cuộc họp ngày 09/11/2015 về kế hoạch cung cấp than cho phát điện năm 2016 do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng chủ trì, TKV có văn bản số 5682/TKV-KH+KDT báo cáo Bộ Công Thương và Tổng cục Năng lượng về xây dựng kế hoạch cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) trong năm 2016 (trong đó bao gồm than do TKV và TCT Đông Bắc cung cấp), khối lượng và danh sách các NMNĐ do TCT Đông Bắc cung cấp trên cơ sở xác nhận của TCT Đông Bắc tại Biên bản làm việc ngày 10/9/2015 giữa TKV và TCT Đông Bắc.
Căn cứ ý kiến thống nhất giữa TKV và TCT Đông Bắc về việc cung cấp than cho các NMNĐ trong năm 2016, ngày 22/01/2016 Bộ Công Thương ban hành văn bản số 758/BCT-TCNL ngày 22/01/2016 về việc thực hiện cung cấp than cho các Nhà máy nhiệt điện năm 2016.
Từ các cơ sở pháp lý trên, ngày 13/1/2016 TKV và Đại diện PVN là Ban QLDA Điện lực Dầu khí Vũng Áng (BĐVQ) đã thống nhất ký kết hợp đồng mua bán than năm 2016 cung cấp cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hợp đồng số 09/HĐ/TKV-VQPP) với khối lượng là 2,6 triệu tấn (+/- 10%) than cám 5a1, trong đó giao bằng đường biển là 2,1 triệu tấn, đường bộ là 0,5 triệu tấn).
 
Ngay sau khi ký kết, TKV đã tích cực triển khai kế hoạch sản xuất, giao cho các đơn vị thành viên triển khai thực hiện nhằm đảm bảo đủ sản lượng than sản xuất trong nước cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 theo đúng các điều khoản trong Hợp đồng đã ký.
Tuy nhiên, đến hết tháng 4/2016,  tình hình giao nhận than cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 đạt rất thấp so với chỉ tiêu đăng ký cũng như thực tế nhu cầu sử dụng của Nhà máy. Thực hiện hết tháng 4/2016 mới đạt 300 ngàn tấn/1,3 triệu tấn (1,3 triệu tấn là con số mà TKV đã chủ động điều chỉnh giảm một nửa so với khối lượng theo Hợp đồng để chia sẻ khó khăn với PVN do sự cố hỏng Tuabin - Máy phát của Tổ máy số 1). Tính bình quân, sản lượng giao than chỉ đạt 60.000 tấn/tháng, trong khi theo hợp đồng đã ký, bình quân phải đạt 220.000 tấn/tháng; hoặc theo điều chỉnh là 120.000 tấn/tháng. Điều này gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động SXKD của Tập đoàn TKV.
 
Với khối lượng nhận 300/1.300 ngàn tấn, BĐVQ đã không thực hiện đúng khối lượng, tiến độ theo Hợp đồng đã ký. Trong khi đó thì Nhiệt điện Vũng Áng lại mua than của đơn vị khác ngoài TKV với khối lượng tương đương mua của TKV. Về việc này, TKV đã có văn bản số 1050/TKV-KDT ngày 06/4/2016 gửi PVN và BĐVQ đồng thời báo cáo Bộ Công Thương và Tổng cục Năng lượng, theo đó TKV đề nghị PVN thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 và văn bản số 758/BCT-TCNL ngày 22/01/2016 của Bộ Công Thương về việc cung cấp than cho các NMNĐ năm 2016, đề nghị tập trung nhận than của TKV theo Hợp đồng đã ký.
 
Ngày 14/4/2016 Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Đặng Huy Cường đã chủ trì cuộc họp với TKV và PVN, ngày 20/4/2016 Tổng cục Năng lượng đã có có văn bản số 15/TB-TCNL về việc thông báo ý kiến kết luận cuộc họp, yêu cầu phía PVN chỉ đạo Nhiệt điện Vũng Áng 1 tập trung tiếp nhận than của TKV theo đúng Hợp đồng mua bán than đã ký giữa hai Tập đoàn nhằm thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh than. Cũng theo yêu cầu của Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, trên cơ sở hợp đồng mua bán than đã ký, PVN cần chủ động làm việc với TKV để thống nhất kế hoạch tiếp nhận than (khối lượng, chất lượng) cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng theo từng tháng, quý.
 
Có thể thấy, kết luận của Tổng cục trưởng Đặng Huy Cường tại văn bản số15/TB-TCNLlà đúng tinh thần Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 26/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh than. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương phê duyệt biểu đồ cung cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do Tập đoàn TKV và Tổng Công ty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này”. Kết luận này cũng yêu cầu Tập đoàn TKV và PVN có trách nhiệm tập trung thực hiện đúng các cam kết trong Hợp đồng năm 2016 (do 4 tháng tỷ lệ đạt quá thấp chỉ bằng 11,5% sản lượng theo Hợp đồng đầu năm hai Tập đoàn đã thống nhất và bằng 23% theo Hợp đồng PVN đề nghị điều chỉnh/So với tiến độ yêu cầu 4 tháng phải là 33%), đây là yêu cầu phù hợp với quy luật kinh tế thị trường chứ không có phải là "chỉ đạo phi thị trường” như một số báo đã đưa tin.
 
 
4) Về cái gọi là “có sự thiên vị” cho Tập đoàn TKV trong việc thực hiện cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1:
 
Như đã đề cập ở trên, Tập đoàn TKV và TCT Đông Bắc được Chính phủ, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ là đầu mối sản xuất, cung ứng than trong nước và nhập khẩu than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Tháng 9/2015, trên cơ sở tổng hợp nhu cầu sử dụng than của các nhà máy điện trong năm 2016, TKV và TCT Đông Bắc đã có buổi làm việc, thảo luận và đi đến thống nhất nguyên tắc cấp than cho từng nhà máy nhiệt điện theo đúng khối lượng, chủng loại than phù hợp với công nghệ của từng nhà máy. Trong biên bản làm việc đó, TKV chịu trách nhiệm cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, còn TCT Đông Bắc xác nhận tham gia cùng TKV cấp than cho 9 nhà máy nhiệt điện, không xác nhận cấp than cho Nhiệt điện Vũng Áng 1.
Từ văn bản thống nhất giữa TKV và TCT Đông Bắc, trên cơ sở nguyện vọng của mỗi bên, ngày 22/1/2016, Bộ Công Thương có văn bản số 758/BCT-TCNL giao TKV và TCT Đông Bắc nhiệm vụ cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đảm bảo thực hiện đúng Quyết định 5964/2012/QĐ-BCT và Chỉ thị 21/2015/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
 
Như vậy, việc Tập đoàn TKV cấp than cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 là thực hiện trách nhiệm mà Chính phủ và Bộ Công Thương giao, trên cơ sở thỏa thuận, thống nhất giữa TKV và TCT Đông Bắc, không có sự “thiên vị” nào ở đây như dư luận đồn đoán.
 
5) Vấn đề tồn kho than và nhập khẩu than của Tập đoàn TKV phải chăng có điều gì khuất tất hay do than của Tập đoàn TKV không có sức cạnh tranh?
 
Để làm sáng tỏ vấn đề này, cần nhận rõ hai điều sau, thứ nhất, Điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (phê duyệt tại Quyết định số 403/2016/QĐ-TTg ngày 14/3/2016) đã đề ra một trong những quan điểm là “ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước; bảo đảm việc xuất, nhập khẩu hợp lý theo hướng giảm dần xuất khẩu và chỉ xuất khẩu các loại than trong nước chưa có nhu cầu sử dụng thông qua biện pháp quản lý bằng kế hoạch, các biện pháp điều tiết khác phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và các cam kết quốc tế của Việt Nam”. Thứ hai, than do tạo hóa sinh ra trong lòng đất gồm nhiều chủng loại khác nhau có chất lượng, đặc tính và tính năng sử dụng khác nhau, theo đó có giá trị và giá trị sử dụng khác nhau.
 
Về tồn kho than, hiện tại, trong cơ cấu chủng loại than do Tập đoàn TKV sản xuất có nhiều loại than khác nhau. Các hộ nhiệt điện than trong nước đặc biệt ưa chuộng than cám 6a1 Hòn Gai. Loại than này hiện không đáp ứng đủ nhu cầu của các hộ tiêu thụ trong nước (ước tính năm 2016 thiếu khoảng 4 triệu tấn). Chỉ có than vùng miền Tây Quảng Ninh sản xuất (Mạo Khê, Uông Bí) do đặc tính lưu huỳnh cao, chất bốc thấp, thị trường ít có nhu cầu nên tồn kho cao (trước đây loại than này chủ yếu xuất khẩu, nhưng nay không còn xuất khẩu nữa).
 
Về vấn đề nhập khẩu than, do nguyên nhân tồn kho nêu trên, TKV đã tiến hành nhập khẩu than từ nước ngoài với khối lượng phù hợp nhằm thực hiện 2 mục tiêu. Một là, để chế biến, pha trộn với than trong nước cung cấp cho các hộ có nhu cầu sử dụng nhằm mục đích giảm tồn kho than khu vực miền Tây Quảng Ninh, đảm bảo công ăn việc làm, thu nhập cho thợ mỏ và an sinh xã hội; đồng thời qua đó tận thu và nâng cao hiệu quả nguồn than trong nước.
Hai là tranh thủ nguồn than thế giới ở thời điểm hiện tại đang dư thừa nên có giá bán thấp để điều chỉnh giảm sản lượng than trong nước và sẵn sàng nâng cao sản lượng than thời gian tới khi nhu cầu than trong nước tăng cao. Cần lưu ý là hiện nay trong ngành dầu mỏ do cung vượt cầu nên giá bán giảm mạnh, dẫn đến những mỏ dầu có giá thành khai thác cao phải ngừng sản xuất, chỉ những mỏ dầu có giá thành thấp mới có thể tồn tại với giá bán thấp. Than nhập khẩu vào nước ta hiện nay có giá bán thấp cũng do nguyên nhân tương tự như vậy. Tuy nhiên, thị trường luôn có sự biến động, khi nền kinh tế thế giới phục hồi đà tăng trưởng cao, chắc chắn nhu cầu dầu mỏ cũng như nhu cầu than sẽ tăng cao, khi đó sẽ kéo theo giá bán tăng lên.  
 
Như vậy, việc nhập khẩu than của Tập đoàn TKV vừa giải quyết nhu cầu than trước mắt, tận thu tối đa tài nguyên than trong nước, vừa đảm bảo chiến lược phát triển lâu dài theo đúng tinh thần quan điểm về xuất, nhập khẩu than hợp lý trong Quy hoạch phát triển than nêu trên. Đây là điều tất yếu khách quan trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa. Các nước đều tăng cường phát huy các lợi thế tương đối của mình để mở rộng xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế và nhập khẩu các sản phẩm kém lợi thế, kể cả kém lợi thế tạm thời theo tinh thần cùng thắng (Win - Win), không thể có nước nào được cả hoặc mất cả. Ngay như nước ta, tuy là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo, hải sản nhưng vẫn nhập khẩu một số loại gạo, hải sản trong nước có nhu cầu.
 
Về chiến lược lâu dài, để góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Chính phủ giao Tập đoàn TKV đẩy mạnh đầu tư khai thác và phát triển các mỏ mới, nâng cao sản lượng than trong nước. Đồng thời, Chính phủ giao cho Tập đoàn TKV là đầu mối nhập khẩu than, đảm bảo cung cấp đủ than cho các NMNĐ và các nhu cầu khác của nền kinh tế quốc dân. Theo quy hoạch than đã phê duyệt, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than với khối lượng lớn từ sau năm 2017 và tăng mạnh sau năm 2020, chủ yếu là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện bao gồm cả than anthraxite và than nhiệt năng.
Do vậy, việc Tập đoàn TKV từng bước triển khai nhập khẩu than là điều tất yếu khách quan. Ngay từ bây giờ, Tập đoàn TKV phải thực hiện bước chuẩn bị để đảm trách tốt nhiệm vụ Chính phủ giao trong việc thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than cũng như đầu mối nhập khẩu than. Thời điểm hiện tại, trên thế giới nguồn cung than đang vượt cầu và giá bán còn thấp. Do vậy, cần phải tranh thủ thiết lập, duy trì và đặt quan hệ lâu dài với các đối tác cung cấp than để khi nhu cầu than trong nước tăng cao và thị trường phục hồi (thực tế là bắt đầu từ quý II/2016, giá than có chiều hướng tăng, cao hơn khoảng 5-6 USD/tấn so với quý I) thì có thể đáp ứng ngay được một cách chủ động và hiệu quả.
 
6) Về vấn đề giá than của Tập đoàn TKV cho sản xuất điện:
 
Tập đoàn TKV không thể tự ý điều chỉnh tăng, giảm giá mà vấn đề đó nằm trong cơ cấu liên ngành năng lượng, mối tương quan giữa các dạng nhiên liệu, năng lượng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo các quy định hiện hành.
Hơn nữa, trong điều kiện khai thác các mỏ than ngày càng khó khăn, phức tạp do xuống sâu và đi xa hơn vào trong lòng đất (lịch sử khai thác than ở Việt Nam đã có trên 170 năm, phần than ở trên có điều kiện thuận lợi đã được khai thác hết, nay phải xuống mức -300m, -500 m và sẽ sâu hơn nữa so với mực nước biển), nhu cầu vốn đầu tư phát triển tăng cao đòi hỏi phải có cơ chế phù hợp đảm bảo cho ngành Than phát triển bền vững để cung cấp than ổn định đáp ứng nhu cầu than, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia như đã đề ra trong điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016. Trong bối cảnh giá giảm thê thảm hiện nay ngay như gã trai tráng khổng lồ Nhà máy Lọc hóa dầu Dung Quất còn rơi vào tình trạng hấp hối và phải kêu cứu, huống hồ các doanh nghiệp than nhỏ thó lại bước vào thời kỳ “đầu bạc răng long” nên cần có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ, thiết nghĩ điều đó không có gì là quá đáng. 
 
Trở lại vấn đề than cấp cho Nhiệt điện Vũng Áng 1, so sánh giá than của Tập đoàn TKV với giá than của đơn vị khác cấp cho Nhà máy này là “không cùng mẫu số”. Vì 100% than TKV cấp cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 đến thời điểm hiện tại là than cám 5a1 sản xuất trong nước tại vùng Hòn Gai, Cẩm Phả và theo thỏa thuận thống nhất ký kết hợp đồng mua bán than dài hạn giữa các bên.
Trong khi số than mà Nhiệt điện Vũng Áng 1 mua từ nguồn khác hiện nay ngoài TKV là than pha trộn, chế biến với các loại với than nhập khẩu,… mang tính thời điểm, không phải là ổn định, không có cam kết lâu dài. Đây là hai loại than khác nhau và theo các cam kết khác nhau trong hợp đồng mua bán than giữa các bên.
Hơn nữa, khi so sánh than sản xuất trong nước và than nhập khẩu không thể chỉ so sánh một cách đơn thuần về giá của chúng mà phải tính tới hiệu quả kinh tế - xã hội và sự đảm bảo cung cấp ổn định, lâu dài của nguồn than sản xuất trong nước. Bài học về tình trạng thương lái dùng chiêu bài tăng giá để thu mua một số nông sản nhưng sau đó ép giá theo kiểu “đem con bỏ chợ” khiến bà con nông dân bao phen lao đao “dở sống, dở chết” trong thời gian qua đã cho thấy rõ điều đó. Đặc biệt, cần lưu ý rằng trong thời đại thương mại toàn cầu hiện nay không có chỗ cho kiểu làm ăn “chụp giật” hoặc “lá mặt lá trái”, muốn tồn tại và phát triển ổn định, lâu dài cần phải đặt “chữ tín” lên hàng đầu.
 
Đối với loại than trong nước đang có nhu cầu cao như cám 6a1, phải nói rằng, trên thế giới hiện gần như không có loại than có cùng chủng loại, chất lượng hoàn toàn giống như than cám 6a1 do Tập đoàn TKV sản xuất. Để đáp ứng được nhu cầu sử dụng loại than này của các hộ trong nước, hiện nay Tập đoàn TKV đã bắt đầu nhập khẩu loại than phù hợp và pha trộn với các loại than TKV sản xuất để tăng nguồn cung. Giá thành sau khi pha trộn, chế biến loại than này tương đương với giá than cám 6a1 sản xuất trong nước, chỉ chênh một phần rất nhỏ, vừa đủ bù đắp cho công tác pha trộn, chế biến.
 

Bài viết khác

Đối tác

border DT

Tranh đá quý 24h Tranh đá quý Tranh đá quý giá rẻ Tranh đá quý giá rẻ tại hà nội Tranh đá quý hà nội Tranh đá quý đẹp Giá tranh đá quý Bán tranh đá quý Bán tranh đá quý giá rẻ Tranh đá quý phong cảnh Tranh đá quý tứ quý Tranh đá quý thư pháp Tranh đá Tranh đá đẹp Thiết kế web