Văn hóa than & sự phát triển của TKV
Icon Icon

Văn hóa than & sự phát triển của TKV

Tin tức Than khoáng sản

Nổi trội tình người ngành Than

Nói đến BẢN SẮC VĂN HOÁ THỢ MỎ trước hết phải nhắc đến TÌNH NGƯỜI NGÀNH THAN. Tình người ngành Than đã tạo nên bản sắc khác biệt giữa ngành Than và các ngành kinh tế khác. Tôi đã dành thời gian lội ngược dòng lịch sử ngành Than qua các thư tịch, qua văn thơ, qua lời ca tiếng hát hay qua những câu chuyện của các thế hệ trước, rồi qua chiêm nghiệm thực tế của đời làm mỏ để đi đến kết luận: "Có thể nói rằng càng phát triển thì Tình người ngành Than càng sâu đậm và đã tạo thành bản sắc văn hoá riêng, khác biệt với các ngành nghề khác, vùng miền khác và trở thành tài sản quý giá nhất, vững mạnh nhất làm NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN". ("170 năm Tình người ngành Than"- Tạp chí Xưa và Nay 2010 - Đoàn Văn Kiển).

Thật vậy, một là: cái tình người được bắt đầu từ lúc chuẩn bị khai sinh ra ngành Than cuối thập niên 1830. Đó là sự kiện chính dân ta vô tình phát hiện ra than ở Yên Lãng, Đông Triều và vì thương dân muốn dân có công ăn việc làm sau biến cố giặc dã, mùa màng thất bát để có tiền nuôi thân mà Tổng đốc Hải - Yên (Hải Dương và Quảng Yên) Tôn Thất Bật đã không chỉ một lần cầu xin Vua Minh Mạng cho phép thuê dân khai thác than cho triều đình tại chân Núi Yên Lãng, Đông Triều. Và, cũng chính vì thương dân, muốn "ra ân cho dân" mà Đức Vua đã "chuẩn theo lời cầu xin" cho phép Tổng đốc thuê dân khai thác than. Ngày 10/1/1840, Đức Vua đã phê chuẩn như vậy và nó đã trở thành ngày khai sinh ra ngành Than Việt Nam. Thật hiếm có lời cầu xin nào, lời phê chuẩn nào mang tính nhân văn đến như vậy.

Hai là, chính nhân dân, chính những người thợ mỏ đã dựng nên Miếu Mỏ tại nơi khai thác than đầu tiên (Yên Lãng, Đông Triều) để tưởng nhớ, để thờ cúng những người làm ra than đã qua đời ngay từ thời kỳ đầu tiên. Ngày nay không có mỏ than nào lại không dành nơi trang trọng đặt bát hương và ghi tên tưởng nhớ những người thợ mỏ đã ngã xuống trong sự nghiệp sản xuất than và đã qua đời vì những lý do khác.

Ba là, cuộc đình công từ đêm ngày 12 tháng 11 năm 1936 và kéo dài hơn 20 ngày của ba vạn thợ mỏ bắt đầu từ Cẩm Phả rồi lan ra khắp Vùng mỏ đã để lại cho các thế hệ thợ mỏ và người dân Quảng Ninh niềm tự hào về sự phát huy sức mạnh của tình yêu thương và tinh thần kỷ luật, đồng tâm giữa những con người bị áp bức bóc lột nặng nề, giữa những người phu mỏ ở chính cái nơi mà "hòn than đen thành hòn than đỏ " (Trường ca Đá cháy - Trần Nhuận Minh). "Hòn than đen" khi đốt lên sẽ thành "Hòn than đỏ". Hòn than đen đã nhuộm máu đỏ của những người thợ mỏ bị thực dân Pháp đàn áp. Những người phu mỏ đói rét, gày còm, mặt đầy bụi than đen đã đứng lên, tập hợp dưới cờ đỏ đấu tranh cho quyền lợi của mình và độc lập dân tộc. Ai đã đọc "Vùng mỏ" của Võ Huy Tâm, đã xem phim "Bão biển" đều có thể thấy rõ tình yêu thương, sự đoàn kết (đồng tâm), tinh thần kỷ luật của thợ mỏ và sức mạnh quật cường của tinh thần đó. Khẩu hiệu chính của cuộc đình công là "Kỷ luật, đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng!" đã gắn kết hơn ba vạn thợ mỏ bình tĩnh nhưng kiên quyết đấu tranh đến thắng lợi, nó đã ăn sâu vào máu của thợ mỏ và truyền thống "Kỷ luật - Đồng tâm" bắt đầu từ đó trường tồn đến nay. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm cuộc đình công vang dội của ba vạn thợ mỏ (1936-1961), Đặc khu uỷ Hồng Quảng đã chọn 12-11-1936 là "Ngày miền mỏ bất khuất" và tổ chức kỷ niệm hàng năm không chỉ ở các cơ sở ngành Than mà ở khắp các cơ quan, đoàn thể, các trường học, các huyện thị, các lực lượng vũ trang... Hiếm có ở đâu lại làm như vậy, không chỉ năm 1961 mà suốt từ đó đến nay luôn là như vậy ở Quảng Ninh! Hỏi, có nơi nào được như thế? 12 tháng 11 không chỉ là ngày truyền thống của thợ mỏ ngành Than mà là ngày truyền thống của cả Vùng mỏ, cả tỉnh Quảng Ninh. "Kỷ luật - Đồng tâm" đã và đang tác động mạnh mẽ không chỉ trong ngành Than mà ảnh hưởng sâu đến phong cách lãnh đạo, quản lý của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể trên toàn lãnh thổ Quảng Ninh tạo nên bản sắc của Vùng mỏ. Theo dõi kỷ niệm ngày truyền thống của các ngành khác tôi càng thêm tự hào về ngày truyền thống của thợ mỏ ngành Than, của miền mỏ bất khuất. Thật hiếm có ngành nào mà ngày truyền thống lại là ngày do hàng vạn công nhân đấu tranh, đình công thắng lợi như ngành Than! Ngày yruyền thống là niềm tự hào, là sức mạnh không chỉ của ngành Than, của Vùng mỏ, của những người thợ mỏ mà của cả gia đình họ, người thân, bầu bạn của họ.

Bốn là, đầu những năm 90 của thế kỷ trước kinh tế suy thoái, lạm phát cao, than làm ra khó bán và phải nghiến răng bán với giá như cho, tồn kho cao, sản xuất thu hẹp; đã có những trường hợp con theo cha mẹ lên công trường ăn chung bát cơm giữa ca. Các công ty than mặc dù đều hạch toán độc lập đã giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, đặc biệt Công ty than Cẩm Phả đã dành than của mình cho các công ty khác "xuất khẩu ăn chênh lệch giá" ngay cả có lúc trong két sắt của mình không còn đồng tiền mặt nào. Rồi, vào năm 1999 phải cắt giảm sản xuất, tạm nghỉ việc hai, ba tháng, thợ mỏ vẫn đoàn kết, vẫn san sẻ việc làm và thu nhập cho nhau, cùng nhau vượt lên.

Năm là, thợ mỏ sống vì nhau, hy sinh cho nhau, hy sinh vì nền độc lập của nước nhà. Trong ngành Than nghề làm thợ mỏ hầm lò gian khổ nhất, nguy hiểm nhất, nhưng cũng được chăm sóc chu đáo nhất, song tuyển thợ lò rất khó. Mỗi khi người thợ lò đi làm là cha mẹ, vợ con, người thân ngóng trông anh ấy trở về lành lặn. Cũng vì thế khi giảng bài về an toàn lao động tôi đã đưa ra định nghĩa: "An toàn lao động là mọi người lao động đều trở về nhà sau giờ làm việc một cách yên lành". Dù có gian khổ tới đâu khi đã bước chân vào lò những người thợ đều làm việc hăng say; nếu chẳng may xảy ra sự cố, tai nạn lao động họ không bao giờ bỏ nhau mà tìm mọi cách cứu đồng đội. Dù biết rằng đồng đội đã hy sinh, thân thể bị vùi rất sâu dưới đường lò bị sập đổ đầy bùn, đất, đá, than, nước, ngổn ngang vì chống sắt thép...; dù cho phải đào bới, phải múc từng xô bùn 3 ngày, 5 ngày, 7 ngày liên tục hay lâu hơn nữa họ vẫn miệt mài làm, không mảy may một lời ca thán. Không chỉ thợ mỏ của phân xưởng, của mỏ có người bị nạn cứu hộ mà những thợ mỏ kỳ cựu, những cán bộ chỉ huy tài giỏi của các mỏ khác kể cả người đã được nghỉ hưu đều tự nguyện đến cùng làm. Tôi đã xúc động đến chảy nước mắt khi chứng kiến vẻ mặt buồn rầu có phần ấm ức của thợ mỏ Hà Lầm khi chưa được vào lò tham gia cứu hộ trong vụ sập lò ở Xí nghiệp than Cẩm Thành năm 2005; của thợ mỏ Vàng Danh, Uông Bí khi phải chờ lâu mới đến lượt xuống lò tìm đồng nghiệp trong vụ bục nước gây sập lò ở Mỏ Thành Công năm 2009. Những chuyện như thế khó lòng mà nhớ hết và kể hết ra được, chỉ biết đó là bản chất tuyệt vời của thợ mỏ, và cũng chính vì thế mà tôi kính trọng họ, tôi quý mến họ, không muốn xa rời họ. Trên mặt mỏ những người mẹ, người vợ, người chị, người em, bạn gái... chuẩn bị một cách chu đáo quần áo, trang bị bảo hộ lao động, bát cơm, cốc nước, nước tắm nóng cho thợ lò. Họ làm việc đó bằng tình yêu thương và trách nhiệm. Ngày nay bữa ăn đầu ca, suất bồi dưỡng giữa ca, cốc nước giải khát sau ca của thợ mỏ nói chung và nhất là của thợ lò nói riêng đã là niềm ao ước của công nhân nhiều ngành nghề khác; đặc biệt bánh mỳ mỏ đã trở thành thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Quảng Ninh. Ai đã từng đến các mỏ thăm hay làm việc, đã được ăn bánh mỳ mỏ thì không thể quên được, nếu không quá "giữ kẽ" thì thế nào cũng "đề đạt nguyện vọng" xin một vài cái về làm quà cho gia đình. Đó là lý do tại sao từ trước đến nay chưa xảy ra những sự cố ngộ độc thức ăn hàng loạt như ở nơi khác. Thợ mỏ tự hào về điều đó! Là người đã "xuống lò" ở nhiều mỏ trên thế giới tôi tự hào mà khẳng định rằng thợ mỏ hầm lò của ta (TKV và Tổng Công ty Đông Bắc) được chăm lo bữa ăn tốt nhất, được giặt giũ giầy, ủng và quần áo bảo hộ lao động tươm tất khó có nơi nào bì kịp!

Sáu là, thợ mỏ không chỉ thương nhau mà rất biết thông cảm, sẻ chia với những người nghèo đang gặp khó khăn, thiếu thốn trong cộng đồng dân cư xung quanh mỏ, nơi mình cư trú; với những người có công với nước, với dân, với ngành; với những người không may bị tật nguyền, nhất là những người bị nhiễm chất độc da cam; với đồng bào các địa phương bị thiên tai; với các huyện nghèo, xã nghèo ở vùng sâu, vùng xa... Tôi không nhớ được thợ mỏ ngành Than đã xây bao nhiêu trường học, lớp học; đã làm bao nhiêu "nhà tình nghĩa","nhà tình thương", "nhà mái ấm công đoàn", đã góp phần xoá bao nhiêu nhà dột nát ở Quảng Ninh và các địa phương khác; đã kết nghĩa với bao nhiêu xã nghèo, bao nhiêu đơn vị quân đội đặc biệt là các đồn biên phòng? Tuy chưa khá giả gì nhưng TKV đã nhận giúp đỡ 3 huyện nghèo (Đam Rông ở Lâm Đồng, Ba Bể ở Bắc Cạn và Mèo Vạc ở Hà Giang ) theo Chương trình 30A của Chính phủ. Các công trình do TKV tài trợ từ quỹ phúc lợi và sự đóng góp của thợ mỏ như trường học, bệnh xá, chợ, đường xá... đã và đang phát huy tác dụng tích cực cải thiện đời sống của đồng bào các dân tộc.

"Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”

Đó là lời Bác Hồ nói với Đoàn đại biểu cán bộ, công nhân ngành Than tại Phủ Chủ tịch ngày 15/11/1968. Người ngành Than ngỡ ngàng và đến nay chưa hết ngỡ ngàng tại sao Bác Hồ lại hiểu kỹ ngành Than và chia sẻ với thợ mỏ sâu sắc đến như vậy? “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc"! Đã đánh giặc thì phải biết thương yêu nhau, phải biết đoàn kết chịu đựng gian khổ, phải dám hy sinh, phải gan góc, dũng cảm vượt lên phía trước, vượt qua làn đạn của kẻ thù; phải sáng tạo, có nhiều mưu mẹo và biết chỉ huy giỏi thì mới đi đến chiến thắng. Sản xuất than cũng đầy gian khó, lắm hiểm hoạ thiên nhiên trong lòng đất chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí; hàng ngày, hàng giờ thợ mỏ phải đối mặt với các hiểm hoạ nào sập lò, nào bục nước, nào khí độc, nào cháy nổ khí mêtan, nào than tự cháy... Cái chết luôn rình rập đe doạ cuộc sống; không mưu mẹo, không dũng cảm, không dám hy sinh thì làm sao "sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc"? Chính tình thương yêu; tinh thần kỷ luật, đồng tâm đã giúp cho lớp lớp thợ mỏ luôn đi đầu vượt khó, bỏ lại phía sau sự sợ hãi, bỏ lại phía sau cái gian nguy, tiến thêm sâu từng tấc, từng mét mang ra nhiều tấn than, cả suối than chảy đi muôn nơi. Không ít người dùng than, được hưởng lợi từ than (điện từ than, xi măng từ than, phân bón từ than, giấy từ than, gạch ngói từ than...) chỉ nhìn thấy "hòn than đen đã trở thành hòn than đỏ" mà không biết được rằng cái màu đỏ đang cháy đượm ấy được kết tinh từ trí tuệ, sức khoẻ, tuổi tác, niềm vui, nỗi buồn, mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa của những người thợ mỏ đồng loại với họ. Trong công luận đã có không ít những người cao giọng dạy đời "than với gio, chỉ việc đào lên mà bán mà cũng khó, cũng lỗ à?". Tôi đã không ít lần mời các quan chức, các nhà báo và gần đây cả những người phê phán ngành Than trên mạng xã hội "hãy cùng tôi đến bất kể mỏ than nào bạn muốn, chỉ đến chỗ thợ mỏ đang làm việc thăm họ thôi, không phải làm gì hết, bạn sẽ thấy và chắc là sẽ đổi ý". Nói thì nói hăng vậy, đứng ngoài phê phán thì phê ghê gớm vậy, nhưng không phải ai cũng đáp lại lời mời, thậm chí chẳng hồi âm. Nhưng nếu ai đó đã chui vào hầm lò, xuống thử một đoạn lò nghiêng thôi rồi trèo lên đã thấy họ không còn nói gì nữa, chỉ tập trung vào thở, không chỉ thở bằng mồm, bằng mũi mà cả bằng tai. Lên đến mặt đất một lúc mới hoàn hồn và bảo "Phải đề nghị tặng thưởng huân chương cho mỗi thợ mỏ". Thợ mỏ chỉ cười và nói: "Xin các anh, các chị cứ hiểu đúng cái nghề và nghiệp làm mỏ của chúng tôi, tôn trọng chứ đừng phỉ báng nó là được rồi; các anh các chị làm công chức, làm báo, làm nghề khác; chúng tôi làm mỏ, nghề nào cũng có cái khó, cái khổ, cái vui và niềm tự hào cả, có thế thôi". Thợ mỏ thật khiêm tốn và bao dung! Nhưng đứng trước gương than, đứng trước các sự cố mỏ họ đã cháy hết mình, đã toả sáng. "Cháy để tồn tại, không toả sáng thì không tồn tại", "đó là bài học của Than" (Trường ca Đá cháy - Trần Nhuận Minh).

Cháy hết mình và toả sáng - đó là BẢN LĨNH của THỢ MỎ ngành Than. Trong sản xuất đã vậy, trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thợ mỏ đã thực sự trưởng thành từ Đại đội Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống lại thực dân Pháp đến Binh đoàn Than vào miền Nam chiến đấu từ mùa hè năm 1967 rồi Sư đoàn Than thời kỳ chống lại Trung Quốc xâm lược biên giới phía bắc năm 1979. Đó là nói những đơn vị lớn nổi tiếng thôi, còn mỏ nào, xí nghiệp, nhà máy nào chả có lực lượng tự vệ tham gia chiến đấu, tham gia làm đường ống dẫn xăng dầu vào chiến trường, xây dựng phòng tuyến biên giới... Nhiều mỏ, nhà máy, xí nghiệp ngành Than được vinh danh "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân": nào là Đại đội pháo cao xạ Đặng Bá Hát - Xí nghiệp bến Hòn Gai, Đại đội nữ tự vệ Xí nghiệp bến Cửa Ông; nào là Nhà máy cơ khí Cẩm Phả, Nhà máy cơ khí Hòn Gai, Mỏ than Đèo Nai, Mỏ than Thống Nhất, Mỏ than Hà Tu, Mỏ than Hà Lầm, Mỏ than Mạo Khê, Mỏ than Na Dương, Mỏ than Khánh Hoà... Vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã xuất bản sách "Vinh quang Thợ mỏ Việt Nam". Sách đã giới thiệu 20 người được vinh danh "Anh hùng Lao động", 2 người được vinh danh "Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân"; đặc biệt số lượng các tập thể được vinh danh "Anh hùng Lao động" và "Anh hùng Lực lượng Vũ trang" gần ngang nhau, có nhiều đơn vị được cả hai vinh dự to lớn đó như là các công ty than Hà Lầm, Hà Tu, Đèo Nai, Cọc Sáu, Tuyển than Hòn Gai, Tuyển than Cửa Ông. Như vậy, thợ mỏ ngành Than không chỉ "sản xuất than như quân đội đánh giặc" mà đã thực sự đánh giặc. Làm than giỏi mà đánh giặc cũng cừ! Thật đáng tự hào khi mà ngành Than là ngành kinh tế đầu tiên được hai vinh dự to lớn "Huân chương Sao Vàng" (1996) và "Anh hùng Lao động" thời kỳ đổi mới (2005).

Thợ mỏ không nghi ngờ tương lai

Nhà thơ Trần Nhuận Minh đã viết trong "Trường ca Đá cháy”: Thợ mỏ là những người "không bao giờ nghi ngờ tương lai", thật đúng như vậy! Niềm tin vào tương lai toát ra từ nét mặt thợ mỏ. Họ có thể buồn chán điều gì đó, nghi ngờ ai đó, cái gì đó nhưng không nghi ngờ tương lai, vẫn luôn lạc quan, yêu đời. Dưới lòng moong sâu, trên tầng than cao tiếng hát luôn được cất lên. Trong hầm lò "tiếng mìn, tiếng choòng, tiếng hát từ xa vọng lại" (Trần Chung); "tiếng than rơi, tiếng gió lùa, nghe như có tiếng đàn, tiếng hát" (Hoàng Vân). Thợ mỏ không chỉ hát lúc đủ công ăn việc làm, thu nhập ổn định mà lúc khổ cũng hát, lúc phải tạm thời giãn việc cũng hát... Có lẽ do "cứ yêu than đi, cứ say than đi, than sẽ thương mình" hay "nếu không yêu, không say là Đèo Sen (Nghĩa trang thành phố Hạ Long) vẫy gọi!” (Lê Nguyên Thêm). Trong gian khó thợ mỏ biết chịu đựng, biết được giá trị của sự chịu đựng đó, biết được giá trị của lao động, của sản phẩm họ làm ra. Chính vì vậy mà họ yêu nó, say nó! Thật đơn giản, nhưng không phải ai cũng ngộ ra được, nhất là những người chưa từng đổ mồ hôi, chưa từng chảy nước mắt trong nhọc nhằn.

Thợ mỏ không chỉ hát mà sáng tác nhạc, thơ, hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, viết văn, làm báo cũng rất hay. Chơi thể thao là sự ưa thích của đa số thợ mỏ. Không ai lại không mong muốn Đội bóng đá nam "Than Quảng Ninh" vượt lên chiếm vị trí hàng đầu như xưa. Mỗi lần có trận ở sân Cẩm Phả, "chảo lửa" lại sôi lên; các cổ động viên vùng Mỏ không chỉ nhiệt tình cổ vũ cho đội nhà mà cho cả đối thủ với những pha bóng hay. Bóng đá nữ cũng xuất hiện ở vùng Mỏ sớm nhất, bắt đầu từ Mỏ than Khe Chàm đầu những năm 1990 rồi lan ra cả Vùng mỏ. Đội nữ TKV luôn đứng tốp đầu trong các đội bóng đá nữ tranh Cup quốc gia. Điều đó khiến cho thợ mỏ tự hào!

Trong ngành Than thì thợ lò là gian khổ nhất, nhưng họ cũng là những người lạc quan, yêu đời nhất. Họ kính trọng Xuân Giao, Hoàng Vân, Trần Chung, Trọng Bằng, Phạm Tuyên, Đức Minh, Chu Minh, Đỗ Hoà An... đã hiểu lòng họ, tặng họ những bài ca đi cùng năm tháng. Hơn 50 năm nay họ vẫn hát "Đất mỏ anh hùng (Xuân Giao), "Tôi là người thợ lò" (Hoàng Vân), "Khi chúng tôi vào lò" (Trần Chung)... Hát lên để "vững thêm bước chân đi vào lò", để khi bước chân đi vào lò "thấy càng yêu cuộc sống" và "thấy ngày mai gần lại"!. Có điều lạ là không tốp ca nào kể cả chuyên nghiệp hát bài "Khi chúng tôi vào lò" của Trần Chung hay hơn tốp ca của Mỏ Vàng Danh, xưa đã thế mà nay vẫn vậy! Có người hỏi: tại sao? Bởi vì bài hát ấy Trần Chung sáng tác ở Vàng Danh, riêng cho thợ lò Vàng Danh, thợ lò tự hào hát lên "Vàng Danh ơi, Vàng Danh!", đơn giản thế thôi. Bài hát hay quá nên anh chị em ở các mỏ khác thay "Vàng Danh ơi, Vàng Danh" bằng "Vùng than ơi, Vùng than!".

Cái gì là gốc của văn hóa than?

Nhiều người đã cắt nghĩa gốc gác của văn hoá than hay văn hoá thợ mỏ vùng than, tôi cũng đã thử lý giải nguồn gốc của nó và xin đưa ra để bạn đọc tham khảo, góp ý giúp cho.

Thứ nhất, văn hoá Than Việt Nam không tách rời văn hoá thợ mỏ nói chung và thợ mỏ than trên thế giới nói riêng. Thợ mỏ khắp nơi, nhất là thợ mỏ hầm lò do đặc thù nghề nghiệp làm việc ở dưới lòng đất sâu (còn sâu hơn cả "âm phủ" trong trí tưởng tượng của nhiều người), nơi làm việc chật hẹp, nhiệt độ cao, thiếu ánh sáng, thiếu dưỡng khí; nguy hiểm do các hiểm hoạ sập lò, cháy nổ, bục nước, khí độc hại; công việc nặng nhọc,vất vả tiêu tốn nhiều sức lực... nên buộc họ phải gắn kết với nhau để làm việc cùng nhau sao cho được việc mà đỡ tốn sức và an toàn. Không chỉ phải tự gắn kết mà phải tuân thủ mệnh lệnh của người chỉ huy chả khác gì quân đội để tránh cho bản thân và đồng nghiệp tai nạn lao động, đó là tính kỷ luật cao. Từ thực tế đó thợ mỏ không nói nhiều mà tự nhìn nhau mà làm; nói ít làm nhiều, nhưng hay nói to, rõ ràng, cụ thể và ngắn gọn cốt cho đồng nghiệp hiểu việc mà làm. Nói thật và làm thật. Kỵ nhất là nói dối, "làm láo báo cáo hay", "làm bừa, làm ẩu" bởi như vậy sẽ dẫn đến sự cố, tai nạn cho người khác, thậm chí cho bản thân người nói dối, người làm ẩu trước. Vậy nên, thợ mỏ thường thẳng thắn và trung thực. Đã vào lò là phải làm việc: làm cẩn thận, chắc chắn, khó mấy cũng phải làm cho xong; sập đổ, bục nước, cháy nổ cũng phải bình tĩnh xử lý và vượt qua, nếu không vượt qua thì không tiến lên phía trước được, cũng giống như trận đánh giặc vậy. Công việc ấy đòi hỏi ở thợ mỏ sức chịu đựng, trí thông minh và lòng dũng cảm. Tóm lại BẢN SẮC NGHỀ NGHIỆP của THỢ MỎ là: đoàn kết, kỷ luật; nói ít, làm nhiều; thẳng thắn; trung thực; chịu đựng; thông minh và dũng cảm.

Thứ hai, đa số thợ mỏ Việt Nam từ xưa đến nay đều xuất thân từ nông thôn, nông dân với đặc thù văn hoá làng xã đậm đặc. Người ở các làng quê vùng đồng bằng Sông Hồng và xứ Thanh- Nghệ ra Vùng mỏ kiếm việc làm để sinh nhai, dần dà họ kéo cả anh em, họ hàng, người quen thân ra mỏ tạo thành các làng xã mới trên đất mỏ nhưng vẫn bảo tồn bản sắc văn hoá làng xã quê hương mình. Bất cứ làng xã nào chả có sự gắn kết; nhường áo, sẻ cơm; chia bùi sẻ ngọt; lá lành đùm lá rách... Nhiều hơn thế là ở các làng xã mà người dân cùng một dòng họ. Văn hoá làng xã đồng bằng Sông Hồng, Thanh - Nghệ đã di chuyển ra đất mỏ, hoà trộn, giao thoa với văn hoá bản địa tạo nên văn hoá cộng đồng của cư dân Vùng mỏ.

Thứ ba, ở đất mỏ Đông Bắc, mỏ này tiếp giáp mỏ kia thành một dải từ Đông Triều qua Uông Bí, Hoành Bồ, Hòn Gai đến Cẩm Phả, Vân Đồn sang Sơn Động - Bắc Giang trong đó Cẩm Phả có nhiều mỏ nhất, đông công nhân nhất từ trước đến giờ. Mỗi gia đình thợ mỏ có thể cùng làm việc trong một mỏ, nhà máy hay ở các cơ sở khác nhau, gần nhau; họ hiểu công việc của nhau, thu nhập của nhau, hoàn cảnh của nhau; họ giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ cùng nhau... Thời thuộc Pháp sản xuất thủ công là chính, sản lượng thấp nhưng thợ mỏ ngành Than đông đến trên bốn vạn người. Ngày nay cộng đồng thợ mỏ vùng than Đông Bắc có trên chục vạn người. Cộng đồng đông đảo thợ mỏ cùng sống trên một địa bàn đã cho phép hình thành rõ nét văn hoá thợ mỏ từ thời họ bị chủ mỏ thực dân áp bức bóc lột. Từ khi nhà nước làm chủ mỏ thì văn hoá thợ mỏ có điều kiện phát triển theo hướng ngày càng tiến bộ.

Thứ tư, Vùng mỏ sớm tiếp nhận văn minh quốc tế đến từ Châu Âu, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác. Cảng than Cẩm Phả và Cảng than Hòn Gai một thời đã góp phần thúc đẩy giao lưu văn hoá với nước ngoài.

Có lẽ bốn yếu tố nêu ở trên đã đan xen, hoà trộn, phát triển thành văn hoá than hôm nay?

Văn hóa và phát triển

Ở phần trên tôi đã viết về bản sắc văn hoá than với sự nổi trội của tình người ngành Than, "Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc" và Thợ mỏ không bao giờ nghi ngờ tương lai. Trong các phần đó ít nhiều đã đề cập đến sự phát triển của ngành Than. Trong phần này tôi sẽ nhắc đến các dấu mốc và thành quả quan trọng của ngành Than từ khi có Tổng Công ty Than Việt Nam (1995 ) đến nay. Mọi thắng lợi của ngành Than đều bắt nguồn từ bản sắc văn hoá than; đó là bài học lớn không chỉ trong lịch sử đấu tranh của công nhân mỏ bắt đầu từ cuộc đình công của ba vạn thợ mỏ tháng 11 năm 1936; bài học lớn của ngày hôm qua mà vẫn sẽ là bài học lớn cho ngày hôm nay và mai sau.

Chiến công đầu tiên của thợ mỏ ngành Than sau khi Ngành đã được thu về một mối trong ngôi nhà chung Tổng Công ty Than Việt Nam là thực hiện được quyết định sáng suốt của Thủ tướng Võ Văn Kiệt về "Lập lại trật tự trong khai thác, kinh doanh than, phát triển ngành Than". Trong hai năm 1995-1996 thợ mỏ ngành Than đã kiên trì bám sản xuất, bám thị trường, bám khai trường bằng những biện pháp sáng tạo đẩy mạnh xuất khẩu gia tăng giá trị, gia tăng sản lượng; thu thị trường than nội địa về một mối; chiếm lĩnh trận địa, đẩy lui từng bước tiến đến kiểm soát được nạn khai thác than trái phép. Chỉ trong 2 năm sản lượng than bán ra đã tăng hơn 1,5 lần so với năm 1994 (trước khi có Tổng Công ty Than Việt Nam) ổn định được việc làm cho 8 vạn thợ mỏ, thực hiện tốt nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, có tích luỹ để phát triển, đặc biệt là thay đổi công nghệ theo hướng tiên tiến.

Dấu ấn và thành quả thứ hai chính là sự vượt qua khủng hoảng kinh tế năm 1998 -1999. Đang đà phấn khới của sự tăng trưởng năm 1995 -1997 thì khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới bắt đầu từ Thái Lan cuối năm 1997 ập đến. Tồn kho than đầu năm 1999 đã lên đến hơn 4 triệu tấn các loại, dư nợ vay ngắn hạn đã vượt ngưỡng khá xa, buộc phải cắt giảm nhanh sản lượng than trong mùa hè 1999. Cắt giảm sản xuất nghĩa là phải giãn bớt việc, nghỉ luân phiên, thậm chí nghỉ hẳn trong thời gian ba tháng với mức lương tối thiểu. Thợ mỏ được giải thích rõ ràng chủ trương, giải pháp, chính sách; đã chấp nhận lời xin lỗi công khai của Tổng giám đốc và tin vào lời hứa của lãnh đạo Tổng Công ty không để sự việc kéo dài và tái diễn. Sự công khai minh bạch và quyết tâm của lãnh đạo Tổng Công ty; niềm tin, sự đồng lòng của thợ mỏ đã là động lực to lớn dẫn dắt ngành Than thoát hiểm, đến cuối năm 1999 đã lấy lại được thế cân bằng.

Thành quả thứ ba tuy chưa thật to lớn nhưng đã tạo ra bước phát triển cao của cả ngành Than về năng suất lao động, đưa sản lượng than tăng 7 lần sau 15 năm hoạt động của Tổng Công ty Than sau là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Kết thúc năm 1994 toàn ngành Than với 79 ngàn người đã sản xuất và bán ra 6 triệu tấn than; 15 năm sau (2009) với 83 ngàn người sản xuất than đã bán ra thị trường 43 triệu tấn than. Đỉnh cao của ngành Than là năm 2011: sản lượng cao nhất (trên 45 triệu tấn), doanh thu cao nhất, lãi nhiều nhất và tai nạn lao động ít nhất!. Nhờ đổi mới công nghệ: đưa xe máy công suất lớn vào các mỏ than lộ thiên; lần lượt thay gỗ chống lò bằng cột thuỷ lực đơn, giá thuỷ lực di động, dàn chống tự hành cơ giới hoá đồng bộ, thiết bị hiện đại kiểm soát khí mỏ mà năng suất sản xuất tăng cao, đảm bảo an toàn tốt hơn. Xưa kia trong hầm lò phát động thi đua không biết đến bao nhiêu lần mới có được một lò chợ chống gỗ đạt 10 vạn tấn/năm, còn lại lẹt đẹt hai, ba, bốn, năm vạn tấn/năm. Năm 2016, Mỏ Hà Lầm đã có lò chợ cơ giới hoá 60 vạn tấn/năm và 1,2 triệu tấn/năm. Đây rõ ràng là một bước đột phá, một dấu mốc lịch sử rất quan trọng của ngành Than.

Thành quả và dấu ấn thứ tư là ngành Than đã tự làm ra điện từ than xấu khách hành trong nước không ai muốn dùng. Ngành điện chỉ dùng than tốt có nhiệt trị trên 5000 kcal/kg, ngành xi măng, ngành hoá chất, ngành giấy còn yêu cầu than tốt hơn. Than dưới 5000 kcal/kg đặc biệt là than gầy Quảng Ninh trên dưới 4000 kcal/kg trong nước hầu như ít có người dùng. Tệ hại hơn, than Na Dương có hàm lượng lưu huỳnh lên đến 6,5-7,0%, nhiệt trị lại thấp, độ tro cao. Mỏ có nguy cơ bị đóng cửa do Xi măng Bỉm Sơn đổi mới công nghệ bỏ than Na Dương sang dùng than Hòn Gai. Tổng Công ty Than Việt Nam đã áp dụng công nghệ mới thân thiện với môi trường có thể đốt than xấu, than lưu huỳnh cao để xây dựng Nhà máy nhiệt điện Na Dương, Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn và sau đó là các nhà máy nhiệt điện lớn hơn như: Sơn Động, Cẩm Phả, Đông Triều và một nhà máy nhỏ ngay tại Mỏ than Nông Sơn - Quảng Nam. Tổng công suất cả nhiệt điện và thuỷ điện đang vận hành của TKV đã xấp xỉ 2000 MW, nhiều hơn toàn miền Bắc trước năm 1989. Có điều đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện của ngành Than đều dùng công nghệ lò hơi tầng sôi tuần hoàn thân thiện với môi trường mà trước đó chưa được sử dụng ở Việt Nam, các nhà máy đều chạy tin cậy, hiệu quả. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã khen "Than làm điện mát tay hơn Điện" (tại hội nghị tổng kết TKV 2013). Phát điện bằng than xấu không chỉ chủ động tiêu thụ than, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường tốt hơn; tạo thêm việc làm mà đã nâng cao giá trị của than, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; gia tăng hiệu quả kinh tế - xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững.

Thành quả, dấu ấn thứ năm, đó là mở mang kinh doanh. Nhờ mấy năm làm than có lãi khá, nhờ ý chí kiên cường vượt khó, ngành Than không chỉ làm điện thành công mà đã phát triển 3 nhà máy xi măng với tổng công suất 2,5 triệu tấn/năm trên địa bàn Thái Nguyên, Tuyên Quang; đặc biệt đã tiếp nhận và phát triển ngành Khoáng sản theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tháng 8/2005, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tập đoàn Than Việt Nam - Tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tiên. Bốn tháng sau, vào ngày 26/12/2005, Thủ tướng quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam trên cơ sở Tập đoàn Than Việt Nam và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam và giao cho Tập đoàn chủ trì đầu tư các dự án khoáng sản lớn trong đó có công nghiệp nhôm là một ngành mới. Chính phủ đã tin tưởng ngành Than, đã giao thêm nhiệm vụ cho ngành Than và ngành Than đã xứng đáng với điều đó! Ngành Than cũng đã tiếp nhận Tổng Công ty Cơ khí năng lượng và mỏ sáp nhập vào theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ tháng 5 năm 2001 (thực chất là Cơ khí mỏ trở về với Than) và đã tạo điều kiện cho cơ khí phát triển theo hướng đẩy mạnh cơ khí chế tạo máy và hiện đại hoá cơ khí sửa chữa. Các nhà máy cơ khí đã thay da đổi thịt, tuy còn không ít khó khăn song bước đi của cơ khí đã cạnh tranh hơn,vững vàng hơn! Một thành quả không thể không nhắc đến là ngành Than đã đầu tư hiện đại, tự chủ sản xuất được cả nguyên liệu đầu vào lẫn sản phẩm đầu ra của các loại vật liệu nổ công nghiệp, không còn phụ thuộc vào nước ngoài. Không chỉ thế, Tổng Công ty Hoá chất mỏ đã triển khai dịch vụ phá dỡ, khoan, nổ mìn trên khắp cả nước; xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài với tính chuyên nghiệp cao, giảm bớt phức tạp trong quản lý vật liệu nổ công nghiệp, làm thuận lợi và nâng cao hiệu quả của đối tác và của Tổng Công ty.

Một mốc nữa - mốc thứ sáu cũng cần được nhắc đến, đó là việc chuyển đổi mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức của Tập đoàn các công ty Than - Khoáng sản Việt Nam hay còn được gọi là tái cơ cấu theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Nhiều doanh ngiệp thành viên của TKV đã chuyển thành công ty cổ phần, trong đó có các mỏ than cả lộ thiên lẫn hầm lò. Ba tổng công ty (Tổng Công ty Khoáng sản, Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc, Tổng Công ty Điện lực) đã chuyển sang mô hình cổ phần từ cuối năm 2015. Quá trình tổ chức, sắp xếp lại đang được tiếp tục theo hướng sớm cổ phần hoá công ty mẹ TKV.

Hiện nay ngành Than đang đứng trước thử thách rất to lớn, thử thách lần đầu tiên gặp phải, đó là giá than sản xuất trong nước đã cao hơn giá than nhập khẩu; than ngoại tràn vào thị trường trong nước, tồn kho than dâng cao buộc TKV phải cắt giảm sản xuất. Một lần nữa thợ mỏ đứng trước nguy cơ thiếu việc làm. TKV đã công bố bốn chương trình hành động nhằm cắt giảm chi phí, khôi phục sức cạnh tranh, tiếp tục phát triển ngành Than. Tôi tin rằng khẩu hiệu "Kỷ luật và Đồng tâm - Chúng ta nhất định thắng!" đã làm nên thắng lợi của ba vạn thợ mỏ hơn 80 năm trước, đã tạo ra cốt lõi của bản sắc văn hoá than sẽ dẫn dắt thợ mỏ hôm nay vượt qua thử thách đi đến thắng lợi trong việc thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Bài viết khác

Đối tác

border DT

Tranh đá quý 24h Tranh đá quý Tranh đá quý giá rẻ Tranh đá quý giá rẻ tại hà nội Tranh đá quý hà nội Tranh đá quý đẹp Giá tranh đá quý Bán tranh đá quý Bán tranh đá quý giá rẻ Tranh đá quý phong cảnh Tranh đá quý tứ quý Tranh đá quý thư pháp Tranh đá Tranh đá đẹp Thiết kế web